-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

Giỏ Trái Cây Trong Văn Hóa Tưởng Nhớ Và Tâm Linh
Chiều hôm ấy, tôi cùng mẹ lên chùa để viếng đám tang của một người quen. Chúng tôi mang theo giỏ trái cây mẹ đã chuẩn bị từ sáng: Những quả nho đen căng mọng, vài trái táo đỏ, lê nâu và cam vàng được sắp xếp ngay ngắn. Tôi hỏi mẹ:
- Sao không mua hoa hả mẹ?
Mẹ khẽ cười:
- Hoa đẹp nhưng chóng tàn, còn trái cây là sự sống, là kết tinh của những gì tinh tuý nhất từ thiên nhiên, là sự đủ đầy. Khi đi viếng, mình mang trái cây cũng như gửi gắm lời chia buồn nhẹ nhàng và thành kính nhất.
Bước vào sân chùa, không khí trang nghiêm bao trùm. Nén nhang trầm tỏa hương trong gió chiều. Tôi đặt giỏ trái cây lên bàn thờ, ngước nhìn quanh và bất giác nhận ra có nhiều giỏ trái cây khác cũng vừa được dâng lên. Ai cũng chọn những loại quả tròn đầy, màu sắc hài hòa, thể hiện sự kính trọng với người đã khuất.
Gần đó, một gia đình đang làm đám giỗ cho người thân. Mâm cỗ bày biện chỉnh tề, và giữa bàn là một giỏ trái cây lớn: Táo, cam, nho… trông thật quen thuộc. Tôi nhớ lại mỗi lần giỗ bà ở nhà, mẹ cũng chọn trái cây rất kỹ. Khi ấy, tôi từng nghĩ chỉ cần mua đại vài loại là được, nhưng mẹ bảo:
- Cúng giỗ không chỉ là dâng mâm cơm, mà còn là sự thành tâm của con cháu. Trái cây phải chọn kỹ, tươi ngon, chín mọng, sắp xếp đẹp mắt, vì đó là biểu tượng của lòng thành và sự tôn kính.
Tôi chợt nhận ra một điểm chung: Dù là viếng đám tang hay cúng giỗ, giỏ trái cây đều mang một ý nghĩa sâu sắc - đó không chỉ là một món quà, mà còn là tấm lòng gửi gắm trong từng loại quả.
Khi đi ngang qua chính điện, tôi bị thu hút bởi một giỏ trái cây đặc biệt. Những quả cam vàng, nho tím. táo xanh, táo đỏ, lê được sắp xếp cùng những bông sen trắng. Một người phụ nữ đang thành kính dâng lễ, miệng khẽ thì thầm lời nguyện cầu. Tôi chợt nhớ ra: hôm nay là ngày Rằm. Những người đi chùa cũng mang theo giỏ trái cây như một cách thể hiện lòng thành với đức Phật.
Tôi nhìn lại giỏ trái cây mình mang đến, rồi nhìn giỏ trái cây trong đám giỗ và giỏ trái cây trên bàn lễ Phật. Dù là dành cho người đã khuất, tổ tiên hay đức Phật, tất cả đều mang chung một ý nghĩa: lòng thành kính, biết ơn và cầu mong sự bình an.
Một lát sau, sau khi lễ xong, tôi thấy sư thầy và các phật tử hạ lễ, chia trái cây cho những người viếng chùa và những người khó khăn. Một cụ già cầm trên tay quả cam được phát lộc, nở nụ cười hiền hậu. Vài đứa trẻ tíu tít chia nhau chùm nho tím. Tôi nhìn mẹ, và mẹ chỉ mỉm cười, như muốn nói với tôi rằng, con thấy không, trái cây không chỉ là lễ vật dâng lên, mà những trái cây ngọt lành còn là sự sẻ chia từ người sống với người sống, từ lòng thành với lòng thành.
Lúc ra về, tôi cứ ngẫm mãi về những giỏ trái cây, nó là sự kết nối giữa con người, giữa quá khứ và hiện tại, giữa những lời cầu nguyện và những hành động thiện lành. Và tôi hiểu rằng, dù ở bất kỳ nghi lễ nào - đám tang, đám giỗ hay đi lễ chùa - giỏ trái cây luôn mang trong mình những giá trị đẹp đẽ nhất của cuộc sống.